Chú Giải Tin Mừng Thứ Tư Tuần XXXIV Mùa Thường Niên (Lc 21,12-19) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ TƯ TUẦN XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 21,12-19

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Kh 15, 1-4

Tôi cũng thấy có cái gì như biển trong vắt pha ánh lửa, và những người thắng con thú, đứng trên biển trong vắt ấy, họ cầm những cây đàn của Thiên Chúa và hát.

Bây giờ chúng ta đã quen với các ngôn ngữ mật mã. Chìa khóa ý nghĩa của đoạn sách này nằm trong các đoạn 14 và 15 của sách Xuất hành: ám chỉ trực tiếp về ngày lễ Vượt Qua đầu tiên của người Do Thái. Họ được cứu khỏi ách nô lệ Ai Cập sau khi qua Biển Đỏ, họ đứng trên bãi biển hát bài hát tạ ơn.

Và ông Gioan thấy các Kitô hữu, dân mới của Thiên Chúa, đã thắng sự dữ, đánh bại “con thú" vượt khỏi trở ngại sau một cuộc xuất hành lâu dài trên dương thế trong đau thương và thử thách: Họ hân hoan hát lên bài ca tạ ơn ngày cùng tận của thế giới và lịch sử, nói được là một lễ vượt qua tuyệt hảo, một lễ vượt Qua thứ nhất nơi Biển Đỏ, là một điềm báo trước.

Cuối cùng họ được tự do, được cứu thoát trọn vẹn. Lạy Chúa, con muốn chiêm ngắm nhân loại vào ngày cuối cuộc hành trình... một nhân loại đã thắng “con thú"... một nhân loại đang ca hát... Lạy Chúa, xin cảm tạ Người, đã cho không chúng con nhân giới đầy hy vọng này.

Những người thắng “Con Thú” hình tượng nó và mã số tên nó.

Phần đông các nhà chú giải đều đồng ý cắt nghĩa như sau: "Con Thú” tượng trưng cho Đế quốc Rôma bắt đạo và thờ ngẫu tượng. Chính thánh Gioan, người đã gợi lên ý nghĩa này khi nói rằng “bảy cái đầu của Con Thú là tiêu biểu cho bảy ngọn đồi" (Kh 17,9).

Ai cũng biết là thành Rôma được xây trên bảy ngọn đồi. Thỉnh thoảng người ta đồng hóa “con thú" với chính Néron. Những lời minh các này thật có ích để ngày nay ta biết được rõ ràng sách Khải Huyền đã dựa vào bối cảnh bi thương nào để chép ra: Nếu sứ điệp này chỉ chép bằng các mật mã, như đã thấy, thì rất nguy hiểm và phải loàn truyền cách kín đáo cho nhau, giữa những người đang bị cảnh sát đế quốc truy lùng chỉ những người được thụ giáo, những kẻ thông thạo Kinh Thánh mới hiểu được trọn vẹn.

Lạy Chúa, chính Người muốn cho Hội Thánh sống trong thực trạng của thế giới, trà trộn trong lịch sử phàm tục, làm chất men giữa dòng lịch sử nhân loại. Các quốc gia, các thủ lãnh chính phủ, các chính trị gia, cũng bị liên lụy trong diễn tiến lớn lao của lịch sử cùng với cuộc chiến Đức tin.

NGÀY NAY cũng còn nhiều cuộc bách hại.

Họ hát bài ca của Môsê và bài ca của Con chiên: "Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, sự nghiệp Người thật lớn lao kỳ diệu. Lạy Đức Vua trị vì muôn nước”.

Đó là bài ca tạ ơn của những người được cứu thoát, những kẻ thoát khỏi một nguy hiểm lớn lao. Đừng quên rằng bài ca này được đề nghị hát để an ủi những người bị bách hại, bị áp bức, bị quăng làm mồi cho dã thú.

Cuộc khải hoàn của các kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn không phải là vinh thắng bề ngoài ở đời này. Niềm hy vọng này chỉ có thể có được trong cái nhìn đức tin. Đây là một niềm vui và một lời tạ ơn, thủ đắc được qua cuộc chiến đấu gay go. Bên ngoài có vẻ ngược lại, hình như Thiên Chúa không còn quyền năng, người để cho các chứng nhân của Người bị sát hại... và xem ra Néron lại chính là vua của muôn nước.

Đường lối Người quả chân thật công minh! Vì chỉ có Người chí thánh chí tôn. Người muôn nước sẽ về phủ phục trước tôn nhan.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con niềm tin và hy vọng này!

Mặc dù chúng con chưa thấy rõ ràng ý định cao cả này, chúng con vẫn tin rằng, người hành động trong đó: Công cuộc giải phóng dân Người khỏi vòng nô lệ đã bắt đầu và chúng con đang hướng về cùng đích, đang bước đi trên "đường lối” của Người... và mọi dân nước đang đến về với Người.

Bài đọc II: Đn 5, 1-6.13-14.16-17.23-28

Bữa tiệc của Baltassar.

Trong một bản văn “được tô vẽ" bằng những chi tiết cụ thể và đã gợi hứng bao nhiêu là “bức họa” thời danh, hiển nhiên là phải giữ lại điều cốt yếu. Bữa tiệc này kể như biểu tượng của ngẫu tượng giáo” mọi thời:

"Cơn cám dỗ kiêu ngạo": Một đại tiệc... cả ngàn khách dự... ăn trong chén đĩa bằng vàng hay bằng bạc. Nhà vua phô bày sự xa hoa của mình. Ai trả giá cho mọi sự đó? Chắc chắn là những người nghèo trong xứ. Nhưng ông không hề gì tới đó Ông nhận bùn, nghiền sát những người bé mọn bằng sự kiêu căng của mình.

“Cơn cám dỗ xác thịt": người ta nghĩ tưởng ra sự say sưa nhục dục mà các nghệ sĩ đã nhấn mạnh... rượu dư dật, các phụ nữ và ca sĩ". Khi con người buông mình theo bản năng mình, bị khích động bài rượu và phái tính, nó không dừng lại nữa trong sự suy thoái và ti tiện.

"Ngạo mạn với Thiên Chúa”: Trong tình trạng này thường con người công kích đến Thiên Chúa, khi cố khiêu khích Người bằng sự phạm thượng và phạm Thánh. Baltasar, để chứng tỏ là mình đã vượt ra mọi vật tượng tôn giáo, đã tưởng đến việc "uống bằng các bình thánh đã ăn cắp được ở Đền thờ". Có bao nhiêu cách khác để chế nhạo Thiên Chúa.

“Nỗi sợ và ưu tư về đời sau”: Hôm nay người ta nói về nỗi âu lo siêu hình của người vô thần, người ta chân nhận sự phát sinh các thực hành mê tín và pháp thuật, nơi những người không tin và Thiên Chúa thật.

Vua không tôn vinh Chúa, đang cầm trong tay vận mệnh và đường lối của Đức Vua.

Đối mặt với thuyết duy vật lương dân này, Đaniel nhắc lại “Thiên Chúa thật”.

Đối với người muốn qua mặt Thiên Chúa; vị sứ ngôn bằng một lời nhắc lại sự tùy thuộc căn bản của họ: “Thiên Chúa cầm trong tay hơi thở của vua”.

Tôi nói lại cho mình lời thần linh này. Nó diễn tả bằng một hình ảnh cảm động, rằng tôi dòn mỏng, nghèo nàn, hạn chế biết bao!

Tôi biết ngày kia hơi thở tôi sẽ ngừng tôi biết tôi phải chết. Tôi phải rút ra từ đó những kết luận nào ? Điều đó đòi tôi phải có thái độ nào ? Lúc này, điều đó gợi cho tôi lời kinh nào?

Thiên Chúa đã đếm đủ số triều đại nhà vua rồi.

Chúng ta biết, sau cái chết của Nabukôđônôsor vương quốc Babylon bị phân chia thành hai vương quốc, Mê-đi và Hy Lạp.

Biến cố lịch sử, biến cố chính trị, nhân sinh.

Điều đó không ở ngoài Thiên Chúa, nó ở trong tay Chúa.

Đã cân vua trên cán cân, và thấy vua hụt cân.

Ông vua vĩ đài này tin là mình quan trọng lắm? Thiên Chúa lại thấy ông quá nhẹ! nhìn từ quan điểm Thiên Chúa, người ta không có cùng một tỉ lệ như chúng ta thấy họ ở dưới đất này. Người đứng đầu một việc lớn, người trưởng thành và được kính trọng, bị ganh ghét… có thể bị Thiên Chúa coi nhẹ. Người bị khinh miệt, không quan trọng... Có thể được Thiên Chúa coi trọng và lớn lao.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con lượng giá mọi sự việc và mọi người theo cân lương thực, theo mức độ Thần Linh.

Ai có thể làm cho ngày sống của tôi HÔM NAY có trọng lượng? Tôi phải đặt hành vi nào trong các hành vi của tôi?

Kinh nguyệt nào sẽ làm cho đời tôi có cường độ?

BÀI TIN MỪNG: Lc 21, 12-19

Anh em sẽ bị người ta bắt bớ, ngược đãi, nộp cho hội-đường, bỏ tù…

Đức Giêsu loan báo, trước khi thành Giêrusalem và Đền thờ bị tàn phá, các môn đệ của Người sẽ bị ngược đãi. Khi Luca viết điều này, thì sự việc đã xảy đến!

"Phêrô và Gioan nói với dân... Viên lãnh binh Đền thờ là những người thuộc phải Xa-đốc sấn lại nơi các ông... Họ tra tay trên các ông và tống ngục để chờ ngày mai". Chính Thánh Luca đã kể lại trong sách Công vụ các Tông đồ như thế (Cv 4,13. 5,18. 8,3. 12,4). "Các lãnh binh của thành Philipphê truyền lệnh cho giật tung áo xổng của Phaolô và Sila và cho đánh đòn. Sau khi các ông đã bị đánh nhừ nhiều đòn rồi, thì họ cho tống ngục" (Cv 16,22-23).

Các tông đồ xin các dấu hiệu. Đây là một dấu hiệu: sự bắt bớ. Sự chờ đợi thời cánh chung là một thử thách. Đó là điều Đức Giêsu báo trước…chứ không phải “ngày giờ" thế mạt.

Vì danh Thầy, anh em sẽ bị người ta điệu đến trước mặt vua Chúa quan quyền.

Danh Đức Giêsu. Dấu chỉ của đối kháng. Danh bị người ta cười nhạo. Danh mà người ta loại bỏ. "Tên" là biểu tượng của con người.

Các tông đồ là những người nghe Đức Giêsu loan báo điều đó, vài năm sau sẽ hân hoan bước ra khỏi Công nghị, vì đã thấy mình đang được chịu sỉ nhục vì Danh Đức Giêsu: Tuy nhiên, không hơn gì ta, các ông cũng không thiếu những sỉ nhục, đau khổ . Vậy, tại sao các ông lại tràn đầy niềm vui?

Đó là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.

Bách hại là một điềm may, một niềm vui bởi vì đó là dịp của Đức Giêsu, một cuộc Tin Mừng hóa.

Thánh Phaolô thường nói sẽ nối lại, việc ông vào tù ra khám giúp ông rao giảng Tin Mừng tốt biết bao : đó là một cách thế xem ra nghịch đường để ngỏ lời với những kẻ nắm quyền cao hơn của thời đại. Những người dân ngoại : có thế lực đã nghe nói về Đức Kitô trong trường hợp đó : Agippa II (Cv 26, 1)... Những viên tổng trấn Gallius ở Côrintô (Cv 18, 12 ), Felix và Fstus ở Xêdarê (Cv 24,1. 15, 1). Những vị thẩm phán và các viên cai ngục, “Trong Phủ đường và khắp chốn, sự đã hiển nhiên là chính vì Đức Kitô mà tôi đã bị xiềng xích" (Pl 1,12).

Tôi có thái độ lạc quan như thế không? Tôi có biết sử dụng những tình trạng bề ngoài có vẻ bất lợi, như dịp để nói Tin Mừng không?

Làm chứng.

Là "chứng nhân”. Trong việc kết án mà thế giới hôm nay, cũng như thuộc mọi thời đại dành cho Đức Giêsu, tôi có hiện diện như chứng nhân biện hộ cho Người không?

Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này là anh em khỏi lo phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thù của anh em không tài nào chống chọi hay bắt bẻ được.

Phải, trước mọi tòa án của đế quốc, người ta không hiểu gì ! Họ rất kinh ngạc "bởi vì các ông là những người vô học" (Cv 4,13). Các Kitô hữu đầu tiên không phải là những nhà thần học thông giỏi. Và những người Do Thái hấp thụ văn hóa Hy Lạp tự hỏi nhờ đâu mâ Stêphanô được khôn ngoan như thế! (Cv 6, 10).

Luca viết những lời trên giữa lúc bị bách hại, là giúp ta tham dự vào thái độ lạc quan đầy cảm kích của các nhân chứng đầu tiên thời Giáo hội sơ khai.

Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên nhẫn chịu đựng, thì anh em mới giữ được mạng sống mình.

Vững tin. Kiên nhẫn. Dù sao vẫn vui mừng.

Tôi có tin rằng, trong khi đi tới ngày “kết thúc, đời tôi, là tôi đang tiến tới "sự sống" không?

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Cuộc bách hại.

HOÀN CẢNH:

Sau khi loan báo những tai họa: các tiên tri giả, chiến tranh loạn lạc, và các thiên tai xảy đến cho mọi người, thì đoạn Tin Mừng này, Lu-ca ghi chép về việc các tín hữu Chúa sẽ gặp cơn bách hại.

Ý CHÍNH:

Những cuộc khủng bố bách hại là điềm báo thứ ba về đền thờ bị phá huỷ, nhưng đối với Kitô hữu thì đó là dịp làm chứng cho đức tin của mình.

TÌM HIỂU:

12 "Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra …":

Ở đây Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ biết rằng trước giai đoạn mà các ông đang tìm hiểu tức là về các điềm báo ( Lc 21,7), sẽ có một thời kỳ lịch sử, trong đó các ông sẽ phải làm chứng cho Người giữa những bách hại. Chũng như Đức kitô phải chịu khổ hình mới vào trong vinh quang của Người ( 24,26), các môn đệ cũng phải trải qua những thử thách đó. Câu này Lu-ca ghi lại những đau khổ, thử thách và bách hại mà các môn đệ phải chịu vì danh Chúa.

13 "Đó sẽ là cơ hội anh em làm chứng…?

Làm chứng đối với Lu-ca, là chức năng thuần tuý của Nhóm Mười Hai ( 24,48; Cv 1,8-22; 2.32; 3,15 …) của Tê-pha-nô ( Cv22,20), của Phao-lô ( Cv22,15 và 26,16…).

Làm chúng là công bố Đức Kitô Giêsu đã sống lại và là Thiên Chúa. Và làm chứng ở đây đồng nghĩa với việc "tử đạo" cho các thế hệ sau này.

Qua những cuộc bách hại, Kitô hữu có dịp làm chứng cho Chúa Kitô. Điều này thúc đẩy chúng ta phải can đảm trong hoàn cảnh, mọi biến cố của đời sống để giữ vững đức tin trong đời số`người thường ngày.

14-15. " Vậy anh em hãy nhớ …":

Đức Giêsu trấn an các môn đệ khi gặp những bách hại và thử thách vì danh Chúa, bằng cách báo cho các ông biết đừng lo phải đối phó ra sao vì chính Người. Cũng là vai trò của Chúa Thánh Thần ( Ga 15,26-27; 16,8-11). Sẽ thông ban lời nói và sự khôn ngoan cần thiết cho, để đối đáp lại các lời tố cáo, vu oan của địch thù, đến nỗi chúng không tài nào bắt bẻ được. Ơ đây liên tưởng đến câu chuyện Giuse và Đa-ni-el ( Gn 40; Đn 2), Mác-ca-bê-ô ( 2Mcb 7), Tê-pha-nô (Cv 7,1-5) và sau này trong Hội Thánh ( Ga 15,26-16).

16. "Anh em sẽ bị chính cha mẹ …":

Chúa nhắc đến nơi an toàn nhất là gia đình, nhưng ở nơi này cũng có những bách hại khiến cho một số người bị sa ngã. Đó là những trường hợp người thân trong gia đình cản trở nhau sống Tin Mừng.

17. "Vì danh Thầy anh em sẽ bị mọi người ghen ghét …":

Câu này nêu lên: cuộc bách hại xảy ra mọi nơi mọi lúc khiến cho các môn đệ khó tránh được, vì thế gian từ chối sứ điệp của Chúa Kitô.

18-19 "Nhưng dù một sợi tóc …":

Vì Thiên Chúa sẽ đặc biệt chăm sóc cách tận tình các chứng nhân của người. Nên các môn đệ cứ an tâm và kiên trì giữ vững đức tin và trung thành với Chúa để bảo đảm cho sự sống đời đời.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG :

Qua lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể nhận ra những bài học sau đây:

1. Trước khi đền thờ và thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá, thì các Kitô hữu thời đó bị bách hại cũng vậy, trước khi đến ngày cánh chung, mặc dù chúng ta không biết rõ ngày nào, thì Hội Thánh ở trần gian cũng bị đau khổ và bách hại. Vì thế đoạn Tin Mừng hôm nay, Lu-ca cũng như Mat-thêu 24,15-20 đưa ra một giáo lý về sự đau khổ và bách hại có liên quan đến ngày cánh chung. Chúa Ki-tô đã qua khổ nạn mà tới vinh quang, thì nhiệm thể của Người là Hội Thánh cũng phải qua thử thách mới phát triển và hoàn thành như Tertulien có nói "Máu tử đạo sinh ra người có đạo". vì vậy chúng ta phải can đảm để chấp nhận đau khổ và bách hại để làm chứng nhân cho Chúa.

2. Các tiên tri giả: Cần cảnh giác trước những xuất hiện các giáo phái mới trên thế giới, cũng như trước những quyến rũ xấu của thế giới văn minh: sự hưởng thụ… những thứ đó có thể làm yếu kém niềm tin vào Thiên Chúa quyền năng và đầy tình thương quan phòng, hoặc vào cuộc sống hạnh phúc mai sau trên Nước Trời.

3. Thời nào cũng có những chiến tranh và loạn lạc, vì thế chúng ta phải là những Kitô hữu tiên phong xây dựng hòa bình thế giới, hòa bình giữa các dân tộc và bình an trong xã hội bằng tình thương bác ái và phục vụ.

4. Những thiên tai như động đất, bão tố, lụt lội cũng như hạn hán thường xảy ra trên thế giới, điều đó không đáng sợ vì những mất mát, thiệt hại hay đe dọa mạng sống, nhưng chúng ta sợ vì quá bám vào thế gian này khiến chúng ta mất sự sống đời đời của mình. vì thế đứng trước những thiên tai đó, một đàng chúng ta phải cố gắng chống đỡ để giảm bớt những thiệt hại về vật chất và nhân mạng, nhưng mặt khác chúng ta phải dựa vào những dấu chỉ ấy để thức tỉnh việc chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống đời đời.

5. "Anh em sẽ bị mọi người thù ghét" : qua lời nói này, chúng ta cảm thấy không tìm thấy được sự an toàn cho cuộc sống đời này ngoài thiên Chúa là Đấng trung tín và đầy lòng khoan nhân thương xót. "Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai, vì Thầy mới có lời ban sự sống đời đời".

6. "Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình": Quả vậy, tính kiên trì làm cho con người trở nên mạnh mẽ và can đảm, biết làm chủ được mình và tâm hồn được bình tĩnh để đối phó với những thử thách. Sách Cách Ngôn có nói : "Người kiên trì thắng bậc anh hùng, người tự chủ có giá trị hơn kẻ chiếm được thành" (16,32).

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.